Để sở hữu quy mô đội máy bay, hãng hàng không lữ hành Vietravel Airlines đề xuất lộ trình tăng tổng vốn đầu tư dự án lên gần gấp 6 lần (từ 1.300 tỷ của hiện tại lên mức 7.642 tỷ đồng vào năm 2025). Ngày 8/2, ông Nguyễn Quốc Kỳ – chủ tịch HĐQT của Vietravel Airlines cho biết đề xuất này đang được gửi trình lên Chính phủ để xem xét. Cho đến hiện tại, hãng hàng không này đang sở hữu đội hình 3 chiếc tàu máy bay Airbus A321 sau hơn 2 năm cất cánh.
Do đại dịch bùng phát hai năm qua và quy mô đội bay còn nhỏ nên hãng hàng không vẫn chưa thể sinh lãi. Vì thế, việc đầu tư phát triển đội bay để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không và du lịch là điều vô cùng cần thiết và cấp bách. Bởi theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, khi quy mô đội bay đủ lớn thì doanh nghiệp mới có thể thu về lợi nhuận.
Bên cạnh đó, với mục tiêu phục hồi lợi nhuận và kinh doanh có lãi, hãng đặt chỉ tiêu tổng vốn đầu tư dự án đến năm 2025 là 7.642 tỷ đồng, tức gấp gần 6 lần mức vốn của hiện tại. Dự kiến đến năm 2030, số tiền có thể lên tới 8.252 tỷ đồng.
Theo ước tính, các chủ sở hữu của Vietravel Airlines sẽ phải đầu tư thêm 700 tỷ đồng để tổng mức vốn lên 2.000 tỷ đồng vào năm 2025. Phần vốn còn lại sẽ được hãng hàng không lữ hành sử dụng nhiều giải pháp tài chính khác nhau như huy động vốn từ các nhà đầu tư trên thị trường.
Nhiều nguồn tin cho biết, sau khi chuyển nhượng 10,3% lượng cổ phiếu cho Vinacapital, tập đoàn Vietravel cũng đã tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần và trở thành cổ đông lớn nhất của Vietravel Airlines nhờ việc nắm giữ 85,8% cổ phần hãng hàng không này.
Được duy trì suốt 2 năm hoạt động, hãng hàng không vẫn tiếp tục thực hiện 20 chuyến bay thường lệ cất cánh hằng ngày tại 5 địa điểm: Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Quy Nhơn và Phú Quốc. Trước đó, đường bay thương mại thường lệ quốc tế đầu tiên, chặng Hà Nội – Bangkok (Thái Lan) đã chính thức được khai trương vào 12/2022 và ngày 9/2 chặng TP. HCM – Bangkok dự kiến sẽ được đưa vào khai thác.
Nhằm hiện thực hoá kế hoạch mở rộng các đường bay trong nước và quốc tế, hãng cũng đang trong quá trình đàm phán với các đối tác thuê mua máy bay, đặc biệt là các đường bay tới các nước trong khu vực Đông Nam Á hay Đông Bắc Á. Từ đó có sự chuẩn bị tốt trong việc đón đầu dòng khách từ các quốc gia này, trong đó có Việt Nam – đất nước đang nỗ lực phấn đấu khôi phục vị thế của ngành du lịch và hàng không.
Bài viết: Thanh Trúc – Theo trang VnExpress, Người Lao Động, Vietravel